Welcome to Weblog Samouay Portal
F

Tại sao nói về những việc làm vô ích, người ta hay dùng cụm 'Áo gấm đi đêm'? Nguồn gốc cách nói này?

Thành ngữ này có nguồn gốc từ đâu nhỉ?


Trả lời:

"Áo gấm đi đêm" nguyên Hán văn là "Ý cẩm dạ hành" do câu: "Kim hữu nhứt nhân, cách bích diêu linh chỉ văn kỳ thinh bất biến kỳ hình; phú quý bất huờn hương như ý cẩm dạ hành" (Nghĩa là: "Nay có người cách vách rung lục lạc chỉ nghe tiếng mà không thấy hình; giàu sang mà không về xứ như áo gấm đi đêm") của Trương Lương đời Tây Hán.


Nguyên Sở Hạng Võ chiếm đất Quang Trung là đất hưng vương, núi non hiểm trở; còn Hán Lưu Bang vì thế lực yếu nên phải bị đày vào đất Bao Trung.

Trương Lương, tự Tử Phòng, người nước Hán vốn là tay mưu sĩ của Lưu Bang, muốn tìm cách làm cho Hạng Võ bỏ đất Quang Trung để Lưu Bang trở lại chiếm giữ.

Trương Lương liền giả một tên đạo sĩ mắc bệnh phong ma, nói điên, nói cuồng. Lưng buộc tiền đồng, tay áo đựng trái lê, gõ mõ đi khắp đường, khi ở chùa chiền, đình miếu, khi thì lang thang ở phố phường, vảy tiền hoặc liệng trái lê cho bọn trẻ chạy theo xem. Trước lũ trẻ chưa quen còn ở xa, dần dần chúng không còn sợ sệt nữa nên xáp lại gần.


Trương Lương ngắm trong lũ trẻ ấy có đứa thông minh mới dắt lần vào miếu vắng người, lấy bánh và tiền cho, rồi dạy nó hát: "Kim hữu nhứt nhân, cách bích diêu linh, chỉ văn kỳ thinh bất biến kỳ hình; phú quý bất huờn hương như ý cẩm dạ hành". Khi đứa bé thuộc làu, Trương Lương bảo nó trở về truyền lại cho những đứa khác, và dặn nếu có ai hỏi thì bảo là trời dạy.

Đứa bé vâng lời. Chẳng bao lâu lời hát đó được phổ biến khắp cả xóm. Nó lại thấu đến tai vua Sở.

Hạng Võ nghĩ đó là trời xuống diêu ngôn. Câu: "Kim hữu nhứt nhân" là ám chỉ nhà vua. Còn câu: "Cách bích diêu linh, chỉ văn kỳ thinh bất biến kỳ hình" là nói nhà vua tuy đã có danh tiếng nhưng chưa được truyền rộng ra. Câu cuối: "Phú quý bất huờn hương như ý cẩm dạ hành" là có ý muốn nói nhà vua tuy đã được thiên hạ mà chẳng về xứ sở thì cũng như mặc áo gấm đi đêm.

Vì nghĩ thế nên nhà vua cho khởi công kiến thiết lại Bành Thành là cố hương của nhà vua và chọn ngày dời đô.

Hạng Võ đã mắc kế Trương Lương vì một câu hát. Hạng Võ bỏ Hán Trung (nơi địa lợi), về Bành Thành (nơi hãm địa) đóng đô nên về sau thất bại..

Ngày nay, đây là một câu thành ngữ với ý nghĩa phê phán sự không hợp lý, không đúng lúc, không đúng chỗ của một hành động nào đó, sẽ mang lại sự lãng phí, không có tác dụng gì. Ngày xưa, ban đêm không có đèn điện. Hoặc là chịu tối, hoặc là dùng các nguồn sáng yếu ớt khác. Dưới ánh sáng tù mù của điền dầu, đuốc.... thì có mặc áo gấm đẹp đến đâu cũng chằng ai thấy. Hoặc câu này cũng có thể dùng trong trường hợp chỉ một hành động gì đó rất đáng hoài nghi, mờ ám, khuất tất, vì mặc "áo gấm" để "đi đêm" là một hành động không bình thường.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét