Cách đây 70 năm, ngày 30-10-1949, lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam chính thức được thành lập. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình", nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam không quản ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận mọi hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng của cách mạng Lào.
Từ năm 1949 – 1953, với các phương thức hoạt động chủ yếu như ban xung phong công tác, vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, bộ đội Việt Nam cùng cán bộ Lào đi sâu vào các làng bản, thực hiện “ba cùng” với dân, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia kháng chiến, xây dựng cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt, chiến thắng Điện Biên Phủ và những thắng lợi liên tiếp trên mặt trận quân sự đã tạo đà để Việt Nam và Lào giành thắng lợi trên mặt trận ngoại giao, buộc Pháp phải ký Hiệp định Geneve, khôi phục hòa bình tại Đông Dương.
Từ nửa cuối năm 1954, Việt Nam và Lào cùng bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Theo yêu cầu của Chính phủ kháng chiến Lào, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định cử lực lượng Cố vấn quân sự (từ năm 1959 là Chuyên gia quân sự) sang giúp đỡ cách mạng Lào.
Từ năm 1960, trên chiến trường Lào, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng Pa-thét Lào đã mở chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (1961), Nậm Thà (1962), Đường số 8, Đường 12 (1963), Nậm Bạc (1968), Cánh Đồng Chum (1964, 1969)... Những thắng lợi to lớn cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là quân sự trên chiến trường ba nước Đông Dương đã buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973) về Việt Nam và Hiệp định Viên Chăn về Lào (ngày 21-2-1973).
Tuy nhiên, sau ngày giải phóng hoàn toàn đất nước, trước tình hình chính trị phức tạp, tháng 12-1976, Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Lào chính thức yêu cầu Bộ đội Việt Nam trở lại hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Lào ổn định an ninh, trật tự. Với tinh thần đó, ngày 22-9-1977, Hiệp định hợp tác phòng thủ giữa hai Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lào được ký kết, hợp pháp hóa về mặt pháp lý quốc tế cho sự có mặt của Quân đội Việt Nam trên đất nước Lào. Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục kề vai, sát cánh cùng nhân dân Lào xây dựng và bảo vệ đất nước cho đến năm 1987 mới rút hết về nước, hoàn thành trách nhiệm lịch sử của mình.
Nhìn lại lịch sử, có thể thấy được rằng, trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng sự liên minh, phối hợp chiến đấu với quân và dân Lào. Đặc biệt, phối hợp hành động với quân và dân Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã đóng góp tích cực vào những thắng lợi to lớn trong chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đất nước của cả hai dân tộc.
Chủ tịch Kaysone Phomvihane đánh giá: Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào thấy rằng: Qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã thề hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập dân tộc của mỗi nước... Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định: “Núi có thể mòn, sống có thể cạn, song tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bounnhang Volachith khẳng định: nhân dân các dân tộc Lào mãi mãi không bao giờ quên, trên từng mảnh đất thiêng liêng của đất nước Lào đều ghi dấu sự hy sinh mồ hôi, xương máu của các cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, mồ hôi xương máu của họ đã hòa quyện với mồ hôi, xương máu của các cán bộ, chiến sỹ Lào.
Những năm gần đây, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam được tiếp tục quan tâm vun đắp, củng cố, tăng cường; là tài sản vô giá, là quy luật giành thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng, phát triển của mỗi nước./.
* Đọc tin bằng tiếng Lào
Quân tình nguyện và chuyên gia = ທະຫານອາສາສະໝັກ ແລະ ນັກຊ່ຽວຊານ
Trả lờiXóa